Áp lực gia tăng nợ xấu ngày càng lớn dần. Ảnh: Hải Nguyễn
Một số ngân hàng vừa công bố báo cáo tài chính và điểm đáng chú ý là tỉ lệ nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng. Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với tổng nợ xấu tại ngày 30.6.2023 tăng vọt 58% so với đầu năm lên 1.756 tỉ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi lên 1.523 tỉ đồng, nợ nghi ngờ cũng tăng 41% lên 154 tỉ, nợ dưới tiêu chuẩn giảm 69% về mức 79 tỉ đồng. Do đó, tỉ lệ nợ xấu trên dự nợ cho vay tăng từ mức 3,34% lên tới 4,69%.
Trong khi đó, tại ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) ghi nhận dư nợ xấu (bao gồm nợ nhóm 3,4,5) tăng lên 679 tỉ đồng so với mức 514 tỉ đồng vào đầu năm, tức tăng 32% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến cuối quý II/2023 tại Bac A Bank là 0,7%, vẫn ở mức thấp, nhưng đã tăng đáng kể so với mức 0,55% vào đầu năm.
Tại ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), báo cáo tài chính quý II/2023 thể hiện dư nợ xấu đạt 3.913 tỉ đồng, tăng vọt gần 2,9 lần từ mức 1.357 tỉ đồng hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tại TPBank tính đến hết quý II đạt 2,21% từ mức chỉ 0,84% vào đầu năm. Tương tự các ngân hàng nói trên, chất lượng tín dụng tại LPBank cũng đang cho thấy sự suy giảm khi dư nợ xấu tăng lên 5.656 tỉ đồng từ mức 3.427 tỉ đồng hồi đầu năm, tức tăng tới 65%. Trong đó, nợ nhóm 5 thậm chí còn tăng mạnh hơn, tăng 80% lên 2.438 tỉ đồng.
Tại ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), tính đến 30.6.2023, dư nợ xấu đạt 3.820 tỉ đồng, tăng 61% từ mức 2.368,5 tỉ đồng vào đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến 30.6.2023 tại ABBank là 4,55%, tăng mạnh từ mức 2,89% vào đầu năm. ABBank cũng tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 25% lên 1.282 tỉ đồng trong bối cảnh dư nợ xấu tăng đáng kể. Tuy vậy, do mức tăng mạnh hơn của dư nợ xấu, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tại ngân hàng này vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 33,6% và giảm so với mức 43,3% vào đầu năm.
Các chuyên gia dự báo nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng có thể còn tăng trong năm 2023. Đặc biệt, trong bối cảnh thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu chỉ được kéo dài đến hết năm 2023, việc luật hóa các quy định xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm liên quan trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý bền vững cho xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn hoạt động cho các tổ chức tín dụng.
Trong báo cáo triển vọng ngân hàng cập nhật mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro trong hệ thống dự báo sẽ tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Theo nhóm nghiên cứu, sự ‘đóng băng’ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang làm tăng rủi ro nợ xấu với hệ thống ngân hàng do 2 nguyên nhân chính: một là việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động dòng vốn mới để đảo nợ; hai là hoạt động xử lý nợ xấu khó khăn do bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.