Khoe mẽ thành tích cù nhầy
Thời gian gần đây, khi truy cập vào các trang mạng xã hội, gõ cụm từ “cách bùng tiền qua app”, người tìm kiếm sẽ nhận về một loạt các kết quả từ những những hội nhóm hướng dẫn cách “bùng” tiền với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người.
Các hội nhóm này đều hoạt động công khai khi liên tục đăng tải bài viết với nội dung dạy nhau các “quái chiêu” móc tiền ứng dụng cho vay tiền online, đồng thời bán các dịch vụ xóa nợ. Ảnh chụp màn hình
Tự nhận mình là người có kinh nghiệm hơn 6 năm “bùng" nợ các ứng dụng cho vay tiền và đang sở hữu khoản nợ hơn 260 triệu đồng, D.A - thành viên trong "hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó app" cho biết: "Mới đầu mình vay 25 triệu đồng từ công ty tài chính PTF để lấy uy tín. Sau đó, mình mở thêm vài cái thẻ tín dụng, đi vay thêm vài cái app rồi sau đó là “xù" nợ tất cả. Bạn "bùng" không trả nợ, bên app như: Fast money, Doctor Dong, Money Cat,... họ không về nhà bạn nhưng ngày nào cũng sẽ gọi điện thoại khủng bố.
Còn với công ty tài chính như: FE, PTF,... họ sẽ gọi người thân của bạn nhưng với tần suất ít và sẽ về nhà bạn 1 - 2 lần. Họ về tận nhà thì bạn "chày cối" bảo không có tiền trả, khi nào có bạn tất toán sau, họ cũng không làm gì được bạn đâu."
Mánh khóe "bùng" nợ
Liên hệ với tài khoản mạng xã hội Zalo M.L.H.T, phóng viên được cung cấp một loạt các dịch vụ mà đối tượng tư vấn là có thể giúp xóa nợ, bao gồm:
Sử dụng số tổng đài gọi trấn an gia đình, người thân, bạn bè người muốn "bùng" nợ; Cung cấp, hướng dẫn chuyển hướng các cuộc gọi đòi nợ sang cho bên cung ứng dịch vụ "bùng" nợ; Cài đặt lại Facebook và Zalo cũng như cập nhật trước thông tin để hoán chuyển từ người có chủ đích “bùng" nợ trở thành người bị hại; Hỗ trợ cắt ghép bằng chứng không vay nợ đăng lên Facebook, Zalo cá nhân; Hỗ trợ khách hàng 1 tờ đơn tố cáo gửi công an để chứng minh sự trong sạch của bản thân và sẵn sàng hỗ trợ nếu trong quá trình sử dụng dịch vụ phát sinh vấn đề.
Những dịch vụ hỗ trợ xóa nợ ăn theo mọc lên như nấm, quảng bá rầm rộ trong các hội nhóm kín. Ảnh chụp màn hình
"Nếu khoản vay trên 30 triệu đồng, chưa quá hạn trên 7 ngày, mình có thể giúp bạn xóa nợ. Nếu bạn xác nhận làm dịch vụ thì cung cấp cho bên mình một số thông tin như: Số app vay, số tiền, số điện thoại tham chiếu.
Mức phí cho từng loại dịch vụ này sẽ được xác định và thanh toán sau khi bên mình nhận đủ thông tin từ phía bạn, giá dịch vụ dao động từ vài trăm tới vài triệu đồng. Giá dịch vụ cũng thay đổi tùy theo số lượng ứng dụng vay tiền, số tiền vay của bạn”, người có tên M.L.H.T tiết lộ.
Theo tìm hiểu của PV, dịch vụ xóa nợ vay tiền online là thủ đoạn mới xuất hiện, đánh vào tâm lý người vay khi làn sóng quỵt tiền, “bùng" nợ xuất hiện ngày một nhiều, thậm chí là trở thành một trào lưu của những người vay nợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo.
"Đi đêm lắm"... có ngày "đáo tụng đình"
Chỉ vì tin dịch vụ xóa nợ vay online, chị N.A - thành viên trong nhóm "hội bùng app vay tiền online và chia sẻ cách đối phó" đã sử dụng dịch vụ với hy vọng bản thân sẽ thoát được số nợ từ các app Tamo, Thantaioi, Findo…
“Bên dịch vụ họ cam kết có thể giúp mình xóa nợ các app chỉ với 15 triệu đồng, tương đương với 20% tổng số tiền mình đang nợ. Mình nộp được 4,5 triệu đồng nhưng hiện tại không còn khả năng thanh toán thì ngày nào cũng bị họ đến nhà đe dọa, khủng bố.
Nợ cũ chưa hết lại chồng nợ mới. Đi vay nợ app đã là sai lầm rồi nhưng tin vào việc có dịch vụ xóa nợ app còn sai lầm hơn”, chị N.A cho biết.
Thành viên công khai khoe mẽ thành tích "xù" nợ của mình. Ảnh chụp màn hình
Hoạt động của những người bán dịch vụ "bùng" nợ không chỉ giúp khách hàng của mình chiếm đoạt tài sản là số tiền đã vay mà còn nhận được thù lao từ những hành vi đó, nhưng đa số, các khách hàng khi sử dụng dịch vụ này đều nhận về “trái đắng” với kết quả "tiền mất tật mang".
Các con nợ đăng tải những khoản vay phải trả từ nhiều app vay tiền online khác nhau lên trên hội nhóm để truyền động lực cho các thành viên khác. Ảnh chụp màn hình
Theo luật sư Nguyễn Hồng Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội), vay tiền dưới bất kỳ hình thức nào cũng là một thỏa thuận dân sự và được điều chỉnh tại Bộ luật Dân sự năm 2015.
“Trong trường hợp người vay cố tình không trả, dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền vay thì những người vay có thể bị xử lý về tội chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Bên cạnh đó, tùy theo mức độ phạm tội có thể sẽ bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố và xét xử. Mức xử phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù và bị xử phạt hành chính lên tới 100 triệu đồng.
Với các trường hợp tham gia bình luận, tư vấn, chia sẻ các cách bùng, quỵt tiền trong các hội nhóm, trong quá trình điều tra, có đủ căn cứ để khởi tố thì sẽ bị khởi tố hình sự”, luật sư Hồng Tâm cho hay.